(1). Mô tả nghề
Nghề “Hàn” là nghề thực hiện các công việc nối hai đầu của một hay nhiều chi tiết kim loại thành một liên kết liền khối, không thể tháo rời, bằng cách sử dụng nguồn nhiệt, áp lực hoặc cả nguồn nhiệt và áp lực, có sử dụng hoặc không sử dụng kim loại phụ.
Trong trường hợp tạo ra liên kết liền khối chỉ sử dụng nguồn nhiệt, kim loại tại chỗ hàn cần được nung tới trạng thái chảy để tạo ra bể hàn, bể hàn sau khi kết tinh sẽ tạo nên mối hàn. Trường hợp tạo ra liên kết liền khối chỉ sử dụng áp lực, kim loại tại chỗ hàn cần được tác động một lực ép đủ lớn để các nguyên tử kim loại tại bề mặt tiếp xúc tiến sát lại gần nhau tạo nên liên kết phân tử. Trường hợp sử dụng cả nguồn nhiệt và lực ép, kim loại chỗ hàn cần được nung tới trạng thái dẻo, sau đó nhờ lực ép mà mối hàn được hình thành.
(2). Các vị trí làm việc của nghề
Người làm nghề “Hàn” làm việc trong các lĩnh vực như: Cơ khí, xây dựng, giao thông, đóng tàu, dầu khí... Mối hàn được thực hiện ở tất cả các tư thế trong không gian, công việc hàn có thể thực hiện tại xưởng tập trung, tại hiện trường hoặc trực tiếp trên kết cấu đang lắp ghép. Giá thành chế tạo của liên kết hàn thấp hơn một số phương pháp khác vì vậy đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
(3). Các nhiệm vụ chủ yếu của nghề
Người làm nghề “Hàn” có các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện hàn; hàn kim loại bằng hồ quang; hàn kim loại bằng khí cháy; hàn kim loại bằng các phương pháp khác; kiểm tra các quá trình và sản phẩm hàn; giám sát hoạt động hàn; bảo đảm chất lượng; quản lý; bảo đảm an toàn; phát triển công nghệ mới.
Chương trình đào tạo của Nghề cao đẳng hàn vui lòng xem tại đây